Nhớ mãi một thời “khoét núi, ngủ hầm” làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Quá khứ đã lùi xa, tuổi thanh xuân đã để lại nơi chiến trường, lớp chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa nay đều đã trên dưới 80 tuổi. Thế nhưng, mỗi lần có dịp lục lại ký ức xưa, các cựu chiến binh (CCB) như được sống lại một thời khắc oai hùng chẳng thể phai mờ của “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, biểu dương các CCB đã không tiếc xương máu, sẵn sàng hy sinh để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

CCB Nguyễn Ngọc Nhẫn, xã Đắk D’rô (Krông Nô), quê Nam Định, năm nay 83 tuổi, thì có đến 55 tuổi Đảng, 64 năm trước, ông là một tay súng đại liên xông xáo trận mạc trong Sư đoàn bộ binh 316. Ở đâu cần hỏa lực mạnh để hạn chế, tiêu diệt hỏa lực của địch, yểm trợ bộ binh ta luồn sâu đánh địch là ở đó có ông xuất hiện.

Nhớ lại một thời hào hùng, ông Nhẫn xúc động: “Ngày ấy, chúng tôi vừa chiến đấu vừa đào hào, địch bắn phá dữ dội khiến quân ta thương vong không ít, nhưng chính lúc ấy tình đồng đội ngời sáng hơn bao giờ hết. Ở thời điểm đó, lương thực, thực phẩm của ta rất khan hiếm, chủ yếu là cơm vắt với muối nên mỗi lần có dù của địch thả nhu yếu phẩm tiếp tế cho quân Pháp trong cứ điểm Điện Biên Phủ rơi lạc ra ngoài, chúng tôi mưu trí, dũng cảm, luồn lách giữa trận địa để lấy về cho anh em trong đơn vị cải thiện”.

CCB Nguyễn Văn Bích, hiện ở xã Tâm Thắng (Chư Jút) nhớ lại: “Khi được lệnh kéo pháo vào trận địa, đơn vị chúng tôi hành quân ròng rã hơn 1 tháng, không đêm nào được nghỉ, một đêm phải đi từ 30-40 cây số. Nhá nhem tối là bắt đầu đi và đến nhá nhem sáng mới dừng chân nghỉ chốc lát. Đường đi rừng núi hiểm trở, chưa kể lương thực, quân tư trang, mỗi người đều phải nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm cao nhất mới kéo được những khẩu pháo nặng hàng tấn vào trận địa. Sau khi vào trận địa, vừa chiến đấu vừa tham gia đào giao thông hào, công sự. Mỗi đêm, 1 tiểu đội có 10 người, phải đào 20m chiều dài, 1,2m bề ngang và sâu 1,4m, đào xong thì mới về, còn không xong, người khỏe giúp người yếu để làm cho xong. Khó khăn, nguy hiểm là thế, song với tinh thần lạc quan, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn luôn kiên trung, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ngày đó, thanh niên chúng tôi một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng, ai cũng tâm niệm không đánh thắng giặc không về. Trong các cuộc chiến, chúng ta chiến thắng vì nhiều yếu tố nhưng trên hết là tinh thần kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của tất cả các cán bộ, chiến sĩ”.

Những người lính Điện Biên năm xưa luôn tự hào về một thời “khoét núi, ngủ hầm” làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu

Ra trận với trái tim cháy bỏng nhiệt tình

Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ khi chưa tròn 18 tuổi, năm nay, CCB Trần Hữu Thái, ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) đã 85 tuổi vầ 58 tuổi Đảng nhưng vẫn luôn lạc quan yêu đời. Ông Thái nhớ lại: “Ngày ấy thanh niên chúng tôi chỉ có một mục đích duy nhất là đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu nước. Vì thế, mọi người ra trận với một tâm hồn vô tư trong sáng và trái tim cháy bỏng nhiệt tình…”.

Là lính pháo binh, ông cùng đồng đội tham gia đánh các cứ điểm khét tiếng của quân Pháp tại Điện Biên Phủ như Đồi A1, Him Lam… cho đến lúc quân ta giải phóng hoàn toàn Điện Biên. Tham gia nhiều trận đánh nhưng ông Thái nhớ nhất là trận tiêu diệt xe tăng địch ở cứ điểm Đồi A1.

Ông Thái nhớ lại: “Hôm đó đơn vị đang chuẩn bị ăn cơm thì nhận được lệnh tiêu diệt xe tăng của địch đang tiến vào trận địa của ta tại Đồi A1. Được lệnh, chúng tôi vứt cơm đấy và vào vị trí chiến đấu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, tiêu diệt được chiếc xe tăng địch trở về hầm thì toàn bộ cơm đã trộn với đất đá rơi vào trong lúc quần thảo với địch, nên cả đơn vị phải nhịn đói. Nhưng ai cũng phấn khởi vì tiêu diệt, ngăn chặn đuợc hỏa lực của địch bắn phá vào trận địa của ta”.

Tự hào về một thời chinh chiến oai hùng, CCB Thái cũng tin tưởng: “Thanh niên Việt Nam thì thời nào cũng xung kích đi đầu như nhau, chứ không chỉ ở thời chúng tôi đâu. Bất cứ khi nào Tổ quốc cần, thanh niên đều sẵn sàng. Ngày nay cũng thế, tôi luôn tin vào lớp trẻ trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh…”.

Các CCB tràn ngập niềm vui khi gặp lại đồng đội năm xưa

Luôn là tấm gương sáng ngời

Trong những năm qua, các CCB thuộc thế hệ tham gia kháng chiến chống Pháp và trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, tiếp tục đem trí tuệ, công sức, ý chí và nghị lực, bản lĩnh, kinh nghiệm cống hiến cho quê hương, đất nước. Nhiều CCB tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng vẫn gương mẫu hưởng ứng các phong trào thi đua ỵêu nước tại địa phương, sẵn sàng hiến đất đai, tiền của, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, khu dân cư văn hóa…

64 năm qua, Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi là niềm tự hào lớn trong lịch sử dân tộc. Cùng với cả nước, người dân Đắk Nông cũng tự hào vì trên quê hương đang có 152 CCB-những người lính một thời sẵn sàng hy sinh xương máu, góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng. Phát huy truyền thống cha ông, các thế hệ hôm nay đang nỗ lực chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Tại Chương trình gặp mặt truyền thống “Điện Biên – Bản hùng ca thời đại” mới đây, đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định: Các CCB chính là những  tấm gương sáng, thể hiện rõ nét tinh thần của chiến sĩ Điện Biên, bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Từ bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ, cán bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh nêu cao tinh thần độc lập, tự lực, tự chủ, tự cường, phấn đấu, thi đua góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng.

Nguồn tin (http://baodaknong.org.vn/)